Bài Viết Cà Phê Pha Thủ Công Espresso Kỹ Năng Barista

Ở nhà với FLAIR ESPRESSO

LỜI DẪN

Là một người pha chế tại nhà, ít ai có tâm lý sẽ đầu tư cho mình hẳn một chiếc máy pha Espresso chuyên nghiệp vì nhiều lý do như công suất dư thừa, tốn diện tích, đắt đỏ,…Thay vào đó sẽ có những lựa chọn phổ thông và tiện lợi hơn rất nhiều như là Moka Pot hay Kompresso chẳng hạn.

Tuy nhiên, với những người dùng bán chuyên hoặc những chuyên gia thì có chăng nhu cầu của họ sẽ cao hơn một chút. Họ cần một thiết bị chuyên biệt hơn, cho phép kiểm soát, tuỳ biến được tối đa các biến số mà họ cần. 

Mình đã may mắn được trải nghiệm một dụng cụ có thể đáp ứng được những tiêu chí đó. Mình khá ấn tượng và thích thú, nên là tiếp nối cho series “Stay home with your…” mình mong muốn giới thiệu với mọi người một dụng cụ rất “ngầu” có tên là: 

FLAIR ESPRESSO MAKER!

(Xin được gọi tắt là Flair Espresso trong bài này)

Flair Espresso Maker – Một làn gió mới cho mảng Espresso thủ công. Nguồn: Cafune


LÀM QUEN VỚI FLAIR ESPRESSO

Phiên bản đầu tiên của Flair Espresso đã gọi được vốn rất thành công trên nền tảng Kickstarter. Đây là một phát minh của ông Sergio Landau, một chuyên gia trong lĩnh vực kỹ thuật cơ khí và thiết bị y sinh. Với xuất phát điểm cũng như nhiều người khác, ông có niềm yêu thích rất lớn đối với cà phê và mong muốn có thể pha được những cốc cà phê ngon ngay tại nhà của mình.

Trong những ngày đầu của chiến dịch gọi vốn, Flair Espresso được quảng cáo như một loại máy pha Espresso xách tay hoạt động hiệu quả nhưng vẫn tối giản. 

Sergio Landau, bên cạnh Flair Espresso Maker phiên bản hoàn thiện đầu tiên của mình. Nguồn: Kickstarter

Khi ra mắt, Flair Espresso nhận được khá nhiều sự hưởng ứng từ những người pha chế tại gia, đặc biệt là những khách hàng theo chủ nghĩa truyền thống. Tuy các loại máy pha cà phê thông thường sẽ nhanh gọn và thuận tiện, ổn định và dễ kiểm soát hơn khi pha nhiều tách cà phê cùng một lúc, nhưng với một dụng cụ pha Espresso thủ công sẽ giúp bạn thuần thục hơn về kỹ năng pha cà phê vì nó tạo điều kiện cho bạn trải nghiệm, cảm nhận nhiều hơn.  

Vậy trước tiên, để nói về một chiếc máy pha Espresso thủ công, thì Flair Espresso có điểm gì nổi bật?


Thiết kế

Flair Espresso được thiết kế rất riêng. Lần đầu tiên thấy nó, mình cảm nhận được sự chuyên nghiệp từ các bộ phận, những đường nét trên thân máy, tay cầm,..và nó khơi gợi sự tò mò của mình rất nhiều. 

Flair Espresso – Phiên bản Signature. Nguồn: Flair Espresso

Nó có thiết kế khá gọn gàng chỉ với 4 bộ phận chính: một chân đế, một cái đòn bẩy, thiết bị đo áp (Áp kế) và đầu chiết (Brew head), tuy nhiên sẽ có rất nhiều bộ phận nhỏ đi kèm. Nếu là một người mới thì có thể bạn sẽ hơi ngộp.

Tổng thể được chế tạo chủ yếu từ kim loại và một chi tiết làm từ nhựa và cao su, tuy nhiên chiếm tỉ lệ khá thấp. Các bộ phận nhựa đều được FDA cấp phép sử dụng tiếp xúc với thực phẩm và có thể chịu được nhiệt độ trên điểm sôi. 

Với thiết kế này thì mình nghĩ nó khá là hiện đại và tinh tế, phù hợp với nhiều không gian.

Ngoài ra, Flair Espresso khác biệt so với nhiều loại máy pha Espresso thủ công khác bởi vì nó có thêm một đầu chiết (Brew head) bằng thép không gỉ. Phần bình chứa bên trong bằng kim loại rất cứng rắn và sẽ không giãn nở dưới áp suất cao. Vì vậy, mỗi tách cà phê được pha đều đảm bảo về mặt nhiệt độ và áp suất, cho ra hương vị đồng đều hơn.


Sự linh động

Khi vận hành, Flair Espresso rất chắc chắn, tuy vậy việc tháo lắp và mang theo rất đơn giản.

Đi kèm với máy là một hộp đựng khá cứng cáp, và cách nhà sản xuất bố trí khoang chứa bên trong khá khéo léo, để bạn có thể xếp gọn tất cả các bộ phận của Flair Espresso vào bên trong và mang theo mình.

Khoang chứa của hộp đựng. Nguồn: Internet

Tổng trọng lượng của một chiếc Flair Espresso rơi vào khoảng 4kg (luôn cả hộp đựng). Cũng không hẳn là quá nhẹ, tuy nhiên đây là mức đủ khiến mình hài lòng nếu có cần mang theo.  


Cảm nhận về áp suất

Trừ phiên bản Flair Neo và Classic, còn lại các thiết bị của Flair Espresso đều đi kèm áp kế, điều đó cho phép mình quan sát được toàn bộ sự thay đổi của áp suất trong suốt quá trình pha.

Flair | Espresso Maker - Signature White - Cafuné Boutique

Nguồn: Internet

Áp suất của máy sẽ thay đổi phụ thuộc vào lực bạn ấn đòn bẩy, kích thước cà phê (grind size) và kỹ thuật nén cà phê của bạn. Bạn sẽ cảm nhận được áp suất trong quá trình vận hành máy, áp suất lúc này sẽ không chỉ dừng lại ở một con số.

Một khi bạn biết được lượng áp suất lý tưởng cần phải dùng, bạn sẽ pha được một tách Espresso rất ưng. Bên cạnh đó, việc thay đổi áp suất cũng sẽ mang đến các kết quả khác nhau về hương vị. Rất đáng để trải nghiệm. 


Chủng loại

Flair hiện có năm dòng máy Espresso, phân bổ các loại giá giao động từ mức 4 triệu đồng đến 13 triệu đồng (Giá cập nhật tháng 6 năm 2021). Nên việc tiếp cận Flair sẽ đa dạng hơn với từng đối tượng khách hàng có nhu cầu và thu nhập khác nhau.:

  • Flair NEO: Dòng máy cơ bản và giá rẻ nhất của Flair, đáp ứng đủ nhu cầu pha Espresso tại nhà, điểm đặc trưng là sở hữu phần tay pha kiểm soát dòng chảy, giúp đảm bảo được áp suất trong khoảng 8-10 bar. Tuy nhiên sẽ không có phần hộp đựng đi kèm.
  • Flair Classic: Classic là dòng máy nâng cấp hơn. Có phần tay pha không đáy giúp chiết xuất đồng đều hơn. Mẫu máy này có thiết kế đẹp và rất dễ sử dụng. Tuy nhiên, nó không có áp kế đi kèm.
  • Flair Signature: Dòng máy Signature có hai màu là trắng hoặc đen nhám. Nó có màng khuếch tán làm bằng thép không gỉ và áp kế tùy chỉnh giúp bạn pha cà phê với áp suất từ 6 đến 9 bar.
  • Flair Pro 2: Dòng máy Pro là mẫu hiện đại hơn. Nó có một vòi dẫn có thể tháo rời, áp kế và tay pha không đáy được cải tiến hơn. Dòng máy này có các màu đen nhám, trắng nhám hoặc mạ chrome. Đòn bẩy của máy cũng có thêm một tay nắm cao su giúp thao tác trở nên dễ dàng hơn.
  • Flair 58: Là dòng cao cấp nhất hiện nay của Flair, ngoài việc sở hữu một tay pha rời, bộ phận đầu chiết còn tích hợp thêm bộ cấp nhiệt chạy bằng điện, giúp độ ổn định và tiện lợi giữa các shot.

Phần Grouphead (Brew Head) trên dòng Neo (trái) và Classic/Signature (Phải). Nguồn: Flair Espresso

Phần Grouphead (Brew Head) trên dòng Pro 2 (trái) và dòng 58 (Phải). Nguồn: Flair Espresso


Bên trong Flair Espresso có gì?

Các model của Flair Espresso sẽ có khác nhau một vài bộ phận, tuy nhiên không khác biệt nhiều. Mình sẽ chọn dòng Flair Espresso Pro 2 để làm mẫu (Và có vẻ đây là dòng được yêu thích nhất cho tới bây giờ).

Bên trong các bạn sẽ có các bộ phận sau:

Nguồn: Commonly Coffee

1. Thanh chống và đòn bẩy

2. Áp kế

3. Lưới chắn (Shower screen)

4. Cốc đong

5. Tay nén (Tamper)

6. Nắp làm nóng trước khi pha (Preheat Cap)

7. Khay hứng

8. Đầu chiết (Brew head: gồm tay pha, pít tông và xi lanh)

9. Phễu đong

10. Vòi chiết

11. Đế


Gợi ý bạn cách pha

Ghi chú:

Nếu bạn có cơ hội trải nghiệm, bạn sẽ nhận thấy phần đầu chiết của phiên bản Pro sẽ to và nặng hơn với bản Classic, do đó cách làm nóng trước khi pha cũng sẽ khác nhau.

Asser Christensen đến từ THE COFFEE CHRONICLER đã chỉ ra rằng:

  • Với phần đầu chiết của phiên bản Classic, khi làm nóng lần đầu tiên bằng cách rót nước sôi trực tiếp vào bên trong buồng chứa, nhiệt độ của nó sẽ dâng lên từ nhiệt độ phòng đến khoảng 73°C và duy trì ở đó. Nếu đem phần đầu chiết này sử dụng thì nhiệt độ của quá trình chiết xuất cà phê sẽ rơi vào khoảng 89-90°C. Nhiệt độ này cũng tương đối ổn.
  • Tuy nhiên với phần đầu chiết của phiên bản Pro, với cách làm nóng tương tự, thì phần đầu chiết chỉ dâng lên đến khoảng 68.5°C, dẫn đến việc khi chiết xuất, nhiệt độ của quá trình sẽ rơi xuống khoảng 85°C.

Với một thử nghiệm nhỏ như vậy, chúng ta rút ra được rằng với phiên bản Classic bạn có thể làm nóng 1 lần trước khi pha để tiết kiệm thời gian, tuy nhiên với phiên bản Pro thì hãy nhớ làm nóng khoảng hai lần lâu hơn một chút.


Vệ sinh Flair Espresso:

Việc vệ sinh sau khi pha khá đơn giản. Phần bánh cà phê sau khi chiết xuất rất khô, do đó chỉ cần đập nhẹ là phần bánh đã rớt ra ngoài. Sau đó chỉ cần vệ sinh cùng chất tẩy rửa nhẹ và nước là được.

Tuy nhiên cần lưu ý:

  • Không rửa bằng nước hoặc các chất tẩy rửa phần Áp kế. Đây là một bộ phận quan trọng và khá dễ lọt nước vào, gây hư tổn bên trong. Do đó hạn chế tác động.
  • Ngoại trừ màu Chrome, thì màu trắng và đen nhám đều dễ bị bong tróc. Bên cạnh đó việc vệ sinh bằng các chất tẩy rửa sẽ đẩy nhanh quá trình oxy hoá bề mặt, nên bạn hãy hạn chế. Mình khuyên là chỉ nên sử dụng khăn ướt lau sạch rồi lau khô lại là được.

ĐẶC TÍNH CÀ PHÊ TỪ FLAIR ESPRESSO

Mình được sử dụng bản Flair Signature và Flair Pro 2. Phải nói rằng chất lượng Espresso rất ổn.

Lần đầu mình thử với cà phê Ethiopia Natural và rang ở mức Medium, lượng cà phê sử dụng là 20gr và lấy ra 33ml. Thì về tổng thể: Crema rất mượt mà, mùi hương citrus khá rõ, hậu vị ngọt và khá dễ chịu. Tuy nhiên mình cảm nhận vị chua (Acidity) có phần trội hơn một chút.

Lần tiếp theo vẫn với những thông số đó, nhưng mình ngâm hẳn phần đầu chiết vào trong nồi nước nóng rồi mới lau khô để pha. Thì chất lượng cải thiện rõ hơn trông thấy, hương vị cân bằng hơn. Nên mình hiểu rằng phần kiểm soát nhiệt độ trên Flair Espresso sẽ có một chút bỡ ngỡ ở thời điểm ban đầu. Nhưng vấn đề này được khắc phục đơn giản, bạn không cần phải quá lo.


Ưu điểm

  • Cho bạn sự kiểm soát toàn diện trong suốt quá trình pha chế.
  • Các bộ phận đi kèm có thể mua riêng thay thế
  • Dễ làm sạch và bảo quản
  • Tiện lợi mang theo khi di chuyển
  • Tốn ít diện tích

Hạn chế

  • Không phải máy pha Espresso xách tay nhỏ gọn nhất
  • Không lý tưởng để pha chế phục vụ nhiều người
  • Nhiều chi tiết, hơi khó tháo lắp, thao tác
  • Giá bán còn khá cao so với mặt bằng chung

(Mọi nhận định về ưu điểm hoặc hạn chế chỉ mang tính chất chủ quan từ người viết dựa trên trải nghiệm bản thân cũng như tham khảo phản hồi từ một bộ phận nhỏ của cộng đồng. Không mang tính chất tuyệt đối.)


LỜI KẾT

Espresso luôn luôn là một thức uống hấp dẫn và là sự thách thức với những người đam mê nó. Làm một ly Espresso ngon thật không dễ, tuy nhiên khi làm được rồi thì bạn sẽ cảm thấy nó rất xứng đáng.

Và đến với Flair Espresso, khoảng cách đến với một ly Espresso ngon tại nhà có vẻ là gần hơn rất nhiều.

Mong bạn có một khoảng thời gian ở nhà ý nghĩa hơn với dụng cụ pha mới mẻ này.

Chúc bạn thành công nhé.


Nguồn tham khảo:

  • Flair Espresso
  • Kickstarter
  • The Coffee Chronicler
  • Lifestyle Lab
  • Roasty Coffee

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

error: Content is protected !!