Ở nhà với MOKA POT!
LỜI DẪN
Vào những ngày dịch bệnh còn diễn biến phức tạp thế này, hẳn mọi người đã nhớ những giờ phút la cà, cùng nhau hàn huyên sớm tối khắp các hàng quán rồi phải không? Chẳng khác gì mọi người, team Beanside Out hiểu và rất mong tình hình mau chóng ổn định trở lại.
Thời gian này, một cách nào đó, là cơ hội để tụi mình có thể chậm lại, nhìn về những gì đã đi qua và dành nhiều thời gian hơn để trau dồi, chăm sóc bản thân.
Hãy đọc một vài quyển sách, học một vài từ vựng mới, hay là cùng tụi mình, làm một ly cà phê ngon bằng những dụng cụ có thể làm tại nhà bạn nhé.
Mở đầu cho “Lockdown Series – Stay Home With Your…”, hãy bắt đầu với nhân vật chính ngày hôm nay, một dụng cụ khá đơn giản và dễ tìm, nhưng không kém phần thí vị nha.
Đó chính là MOKA POT!
Nguồn: Greene Hill Food Co-op
SỰ RA ĐỜI CỦA MOKA POT
Moka Pot là một ấm pha cà phê trên bếp ga hoặc bếp điện. Loại ấm này pha cà phê bằng cách cho nước sôi có áp suất hơi nước đi qua phần bột cà phê xay. Nguyên lý sử dụng được gọi là áp suất thẩm thấu (như bình Syphon nhưng đơn giản và tiện dụng hơn).
Về nguồn gốc, tên Moka Pot được đặt theo tên thành phố Mocha của Yemen.
Vào năm 1933, Alfonso Bialetti lần đầu giới thiệu Moka Pot (thời điểm này gọi là Moka Express) đến với công chúng. Đây là thời điểm mà nền kinh tế của Ý suy thoái mạnh mẽ, các ngân hàng lớn phá sản, thất nghiệp tràn lan. Trước tình hình này, người dân Ý buộc lòng phải cắt giảm chi tiêu. Vào đầu những năm 1930, việc đến những quán cà phê được cho là xa xỉ, do đó mọi người ưu tiên ở nhà nhiều hơn. Nên khi Moka Pot xuất hiện, nó nhanh chóng nhận được sự đón chào của người Ý. Họ có thể tận hưởng một ly Espresso tuyệt ngon ngay tại nhà mình, với giá cả rất là phải chăng.
Những mẫu quảng cáo Moka Pot vào lúc bấy giờ. Nguồn: Pinterest
Hiện nay, cứ 10 hộ gia đình ở Ý thì chắc phải có đến 9 hộ đang sở hữu cho mình một chiếc Moka Pot. Đây là một dụng cụ mang tính biểu tượng, được Luigi De Ponti và Bialetti cùng nhau phát triển. Nó kinh điển đến mức hiện đang được trưng bày tại các bảo tàng nổi tiếng như Museum of Modern Art, The Smithsonian Cooper-Hewitt National Design Museum và The London Design Museum.
Bản vẽ thiết kế chính thức của Luigi De Ponti và Alfonso Bialetti. Nguồn: Flickr
Cả đến sau này vẫn vậy, Moka Pot vẫn dễ được người dùng tiếp cận vì giá thành rất dễ chịu, việc sử dụng và vệ sinh cũng hoàn toàn không mang đến trở ngại gì. Đặc biệt đây là dụng cụ tương đối bền bỉ theo thời gian. Một phần vì được làm bằng kim loại, một phần vì cấu tạo các thành phần bên trong tương đối đơn giản. Nên khó mà để người dùng có thể làm hỏng nó.
LÀM QUEN VỚI MOKA POT
Moka Pot có gì?
Khi sở hữu ấm, mọi người sẽ có những phần cơ bản sau nhé:
1) Phần bình chứa nước (có một Van giảm áp bên hông)
2) Phễu chứa cà phê
3) Vòng đệm cao su
4) Lưới lọc
5) Phần bình chứa cà phê
Gợi ý bạn cách pha
Hình ảnh bên dưới được thực hiện rất tuyệt vời bởi đội ngũ Roastworks Coffee.
Bước 1
Đầu tiên, hãy chuẩn bị phần cà phê (đã được xay) mà bạn mong muốn. Ở đây chúng mình dùng ấm với dung tích khoảng 2-3 cups, nên lượng cà phê sử dụng sẽ giao động khoảng 20 gram.
Sau đó hãy đổ đầy phần cà phê vào phần phễu chứa, dùng ngón tay gạt ngang phần cạnh trên của phễu là được. Nhớ là đừng gõ hay nén cho phần cà phê chặt lại nhé.
Lưu ý:
Với Moka Pot, hạt cà phê của bạn nên được xay ở mức thô hơn máy pha espresso một tí. Có thể là ở mức mịn vừa (Medium-fine). Vì áp suất của ấm Moka tạo ra chỉ vào mức 1-2 bar (nếu có van tăng áp thì lên khoảng 4 bar), nếu bạn xay mịn quá thì ấm không cung cấp đủ áp suất để đẩy nước qua phần bột cà phê ở trên, còn nếu bạn xay thô quá thì phần nước sẽ đi qua rất nhanh mà chưa kịp hoà tan các hương vị của cà phê. Do đó, có thể chúng ta sẽ cần một vài lần đầu thử nghiệm để tìm ra độ xay phù hợp với loại cà phê mà mình sử dụng.
Bước 2
Đổ nước vào phần bình chứa nước bên dưới, nhớ là đổ ở đến dưới phần van giảm áp thôi nhé.
Phần nước lúc này có thể là nước nóng hoặc nước nguội cũng được, không sao.
Nhưng tụi mình khuyến khích là nên sử dụng nước nóng, một phần giúp rút ngắn quá trình pha của chúng ta, đồng thời hạn chế việc hạt cà phê xay ở quá lâu ngoài không khí, giảm chất lượng.
Bước 3
Cẩn thận đặt phần phễu chứa vào phần bình nước bên dưới nhé.
Bước 4
Lúc này, chúng ta lắp phần bình chứa cà phê ở trên vào.
Nếu như bạn sử dụng phần nước nóng ở dưới, lưu ý sử dụng thêm một chiếc khăn để giữ phần chân bình, kẻo phỏng.
Bước 5
Bật bếp ga hoặc bếp điện lên và để yên đó vài phút, phần nước nóng bên dưới sau khi đạt được nhiệt độ thích hợp, sẽ tạo ra áp suất và đẩy phần nước đi lên trên, đi qua cà phê và kết thúc ở phần phễu chứa cà phê.
Nếu sử dụng bếp ga, hãy để lửa ở mức vừa, sao cho phần tia lửa nằm gọn trong bán kính của đáy ấm.
Bước 6
Đây là bước quan trọng, là chìa khoá của cả một quá trình.
Hãy để ý phần nước bên dưới, khi nước bắt đầu sôi, hãy hạ nhỏ lửa. Khi đó bạn sẽ thấy phần cà phê bắt đầu trào ra từ phần vòi ở trên.
Khi bắt đầu, phần cà phê sẽ óng ánh rất đẹp, như mật ong vậy, và dần sẽ nhạt và loãng hơn sau đó, đôi khi kèm theo một số hạt cặn, nhưng điều này là bình thường bạn nhé.
Bước 7
Khi bắt đầu nghe những tiếng vít (hoặc những tiếng xì xèo), những tia nước bắt đầu bắn ra mạnh hơn từ phần vòi, bạn lập tức tắt bếp và để sang một bên.
ĐẶC TÍNH CÀ PHÊ PHA BỞI MOKA POT
Ấm Moka được pha theo phương pháp đun sôi (Boiling), và không hoàn toàn dựa vào áp suất (Pressure) như máy pha Espresso, nên sẽ có những đặc tính khá riêng biệt.
Việc nước được đun sôi và hình thành áp suất đủ để đưa phần nước từ đấy ấm đi lên khoang trên của Moka Pot, toàn bộ quá trình phải được đun sôi liên tục ở nhiệt độ cao. Vì vậy cà phê sữa được chiết xuất ở nhiệt độ quá cao, nếu không khéo có thể dễ dẫn đến chiết xuất những yếu tố không mong muốn. (Xem thêm sự ảnh hưởng của nhiệt độ)
Tuy nhiên, khác với các pha đun trược tiếp trên lửa như cà phê Turkish của Thổ Nhĩ Kỳ, các thành phần hương, axit phần nào sẽ ít bị phân huỷ hơn, không có hiện tượng cháy khét.
Ưu điểm:
- Cà phê làm ra đậm đà hơn so với những cách pha thủ công (hand drip) khác tại nhà.
- Thao tác đơn giản.
- Giá thành tương đối dễ chịu.
- Khá bền theo thời gian.
Hạn chế:
- Phần cà phê xay cần độ ổn định và nhất quán cao. Nên những máy xay tay tại gia thông thường khá khó đáp ứng.
- Phải liên tục để ý đến quá trình pha.
- Không thể thay đổi nhiệt độ pha.
- Miếng đệm cao su cần được thay định kì nếu sử dụng thường xuyên.
(Mọi nhận định về ưu điểm hoặc hạn chế chỉ mang tính chất chủ quan từ người viết dựa trên trải nghiệm bản thân cũng như tham khảo phản hồi từ một bộ phận nhỏ của cộng đồng. Không mang tính chất tuyệt đối.)
Nguồn: Eric BARBEAU
KẾT
Moka Pot chắc hẳn sẽ mang đến cho bạn một giá trị không chỉ dừng lại ở một ly cà phê ngon, mà là một giá trị tinh thần rất lớn. Nếu bạn yêu thích những cách pha thủ công và cổ điển, thì nó chắc chắn sẽ không làm bạn thất vọng.
Tuy ấm Moka được đồn đại rằng sẽ cho bạn một ly cà phê tương đối đắng một chút, thì hãy hiểu rằng chúng ta hoàn toàn có thể chủ động trong việc điều chỉnh và tìm ra cho mình một công thức phù hợp hơn.
Dụng cụ nào thì cũng cần một thời gian thử nghiệm và cảm nhận mà phải không? Chẳng phải tự nhiên mà Moka Pot có chỗ đứng trong lòng người yêu cà phê cả mấy thập kỷ nay.
Nếu bạn không tin, sao không thử xem? Nhỉ?
Nguồn tham khảo:
- Wikipedia
- Prime Coffea
- 6th Floor Blog
- Roastworks Coffee